Friday, October 12, 2007

Phim Việt chiếu tết - Không chỉ là mùa vụ

Những năm gần đây, việc các phim Việt chiếu rạp- với đa phần là các phim mùa Tết- thu hút được một lượng lớn công chúng nước nhà đã là một tín hiệu vui và đầy khởi sắc đối với điện ảnh Việt Nam nói chung và những người làm nghề nói riêng.

Dù vẫn chỉ đang trong giai đọan “chập chững” khi từng bước một rời xa lề lối làm phim kiểu cũ, sự khởi đầu đáng phấn khởi này cho thấy phim Việt đã thực sự có đời sống của nó, như một qui luật tất yếu. Hướng đến việc làm phim là phải có nhiều khán giả, những người làm phim đã mạnh dạn đi vào khai thác từ những thường thức của cuộc sống cho đến những mảng vấn đề khá “gay góc” của xã hội đương đại, rồi cả các đề tài mang tính giả lập hay phi thực. Cách “kể chuyện” trong phim (hình ảnh, âm thanh, cắt dựng…) cũng được chú trọng và đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của đại bộ phận khán giả.

Thực vậy, từ sự “mở màn” trở lại của Gái nhảy (đạo diễn Lê Hòang- hãng phim Giải phóng) vào mùa Tết 2003 với doanh thu phòng vé “cao ngất”, khiến những ai còn thờ ơ với phim Việt cũng phải “giật mình” lưu tâm, về cái gọi là hiện tượng này! Bởi, sau một thời gian dài “bội thực” với các phim “truyền thống” của điện ảnh trong nước (mà cũng chỉ được… thấy tên phim qua các phương tiện truyền thông, còn thì không có mấy phim được chiếu rạp), công chúng bắt đầu ngán ngẩm và mất dần lòng tin vào phim Việt. Gái nhảy đã ít nhiều “vực dậy” được không khí “chợ chiều” đó, khi được đạo diễn Lê Hòang đẩy mạnh việc thể hiện câu chuyện phim theo hướng khác hẳn với kịch bản gốc Trường hợp của Hạnh (biên kịch Ngụy Ngữ). “Xông thẳng” vào đề tài khá nhạy cảm và phức hợp này, bằng nhiều chi tiết lẫn hình ảnh hơi gây sốc (so với những phim Việt trước giờ), Gái nhảy đã được khán giả đón nhận ầm ĩ! Nó tạo nên một hiệu ứng nhất định cho giới làm phim trong nước, khi thời gian sau đó là sự “rùng rùng” chuyển động của các phim Việt mùa Tết (bất kể nhiều dư luận “trái chiều” nhau, về cách thức làm phim kiểu này!).

Cảnh phim Gái nhảy

BỮA TIỆC TẾT ĐA DẠNG…

Tiếp theo Gái nhảy, sự xuất hiện của Những cô gái chân dài (phim đầu tay của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng- hãng phim tư nhân Thiên Ngân) càng khiến “bữa tiệc Tết” bắt đầu trở nên đa dạng hơn. Nếu Gái nhảy đi sâu vào khai thác thân phận những cô cave ở các vũ trường, Những cô gái chân dài cũng chọn cách thức tương tự, khi “hé mở” chuyện hậu trường của thế giới người mẫu cùng những nỗi niềm luôn cần sự cảm thông và chia sẻ. Cách nhìn cách nghĩ khá tươi trẻ đến táo bạo của những cô gái đương đại này, đã được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng “thổi” vào phim mình với tiết tấu thật nhanh và mạnh, dù cũng không kém phần lắng đọng khi cần thiết. Đây có lẽ cũng là phim Việt đầu tiên tiếp cận được với nhịp sống mới của những người trẻ hiện đại, bằng chính sự “trẻ trung” của không khí phim. Ngay cả nhạc phim (tác giả Nguyễn Quang Dũng, vốn là đạo diễn) cũng được phối hợp đồng bộ, tạo nên một diện mạo thật mới cho phim.

Những cô gái chân dài sau khi công chiếu rạp, đã được chính nhà sản xuất phát hành ở ngòai thị trường dưới dạng DVD (kèm theo soundtrack nhạc phim). Như một hình thức mới nữa của phim Việt vào thời điểm đó, trong nỗ lực hiện diện dài lâu và phổ quát trong đời sống thực. Và rất đáng ghi nhận. Tiếp nối dòng phim giải trí này, Nữ tướng cướp (đạo diễn Lê Hòang- hãng phim Thiên Ngân) cũng gây được tiếng vang đáng kể, là bước đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa một đạo diễn kỳ cựu ở một hãng phim nhà nước, khi chuyển sang làm phim cho hãng phim tư nhân. Khi đàn ông có bầu (đạo diễn Phạm Hòang Nam- hãng phim Giải phóng) lại là một bộ phim mang tính giả lập, mà nội dung có vẻ như được “thông báo” trước ngay từ tên phim.

Tuy vậy, những “thủ pháp” Khi đàn ông có bầu được đạo diễn Phạm Hòang Nam (vốn xuất thân là một quay phim thuộc hàng “cao thủ”) điểm xuyến thật dí dỏm và duyên dáng; bên cạnh đó là sự đầu tư cho những vật dụng hiện diện trong phim cũng đầy chất cinema (xe nước mía vận hành tự động, xe xích lô bay…). Cách thức này chẳng những chưa có tiền lệ trong phim Việt, mà còn là tiền đề cho nhiều phim Việt tiếp theo, khi ứng dụng và phổ biến những “đồ chơi” khá vui mắt kiểu này vào câu chuyện phim. Lọ lem hè phố (đạo diễn Lê Hòang- hãng phim Giải phóng) là dạng phim làm tiếp theo phim “ăn khách” (Gái nhảy), cũng là phương thức mới của phim Việt (dù đây là điều khá quen thuộc ở nghành công nghiệp giải trí này, của thế giới); và cũng gặt hái thành công như mong đợi, từ phía đơn vị sản xuất.

Cuộc “Nam tiến” của Chiến dịch trái tim bên phải (phim đầu tay của đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc- hãng phim Truyện 1) lại là một “đột phá” khác, và bước đầu đã “thông tầm” được khuynh hướng làm phim giải trí, ở cả hai miền Bắc và Nam. Chiến dịch trái tim bên phải sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ của “…thứ ba học trò” ngày nay, trong các lời thọai của phim. Rồi cả sự lãng mạn bay bổng của những ước mơ trẻ, nhưng dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm; thông qua những cuộc chơi hay những trò “bày biện” nghịch ngợm trong phim. Đây cũng là “viên gạch nền móng” để một hãng phim tư nhân phía Nam như Thiên Ngân “chọn mặt gửi vàng” cho đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc thực hiện phim tiếp theo Hai trong một (kịch bản gốc được mua từ Mỹ, và chuyển thể).

Hồn Trương Ba da hàng thịt (phim đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng- hãng phim tư nhân Phước Sang, công ty BHD, HK Film) mượn điển tích xưa, nhưng xáo trộn hòan tòan mô-tip cũ và chuyển tải những thông điệp mới vào; bằng rất nhiều “thủ pháp” và tình huống thật sắc nét, độc đáo. Ấn tượng nhất là hình ảnh và tiết tấu của “vũ điệu mổ thịt” trong lò mổ, được nâng lên thành nghi lễ một cách hài hước, dù không kém phần khí thế! Chưa kể một câu thọai đầy tính phá cách của nhân vật nữ chính, khi đối diện với tình cảnh bi đát của chính mình: “Mưa rơi là chia tay thật rồi, phim- nào- cũng- vậy!”. Nó khiến cho cái hài và cái bi dễ dàng lật trở hay hóan đổi cho nhau, trong phim này. Và cũng tạo nên thật rõ ràng một phong cách làm phim, mang đậm “dấu ấn” của đạo diễn.

Đẻ mướn (phim đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung- hãng phim Phước Sang) chọn đề tài cũng khá lạ và mang tính thời sự- xã hội cao. Tuy nhiên, câu chuyện phim rẽ sang hướng “rượt đuổi” tình cảm giữa các nhân vật, để từ đó tạo “đất” cho đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung trổ tài với những pha hành động (Action) thuộc hàng “Việt Nam chất lượng cao” theo cung cách phim hành động của Hollywood.

Thừa thắng xông lên, hãng phim Phước Sang quyết tâm giao tiếp cho đạo diễn trẻ này thực hiện phim tiếp theo Võ lâm truyền kỳ, công chiếu mùa Tết Đinh Hợi vừa qua. Phim là câu chuyện phi thực về thế giới của các “game thủ”, trong trò chơi trực tuyến “Võ lâm truyền kỳ” đầy sức hút đến “ma mị”; vừa được du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Vẫn “trình diễn” thế mạnh của mình là Action hòanh tráng, đạo diễn Lê Bảo Trung đã huy động mấy trăm con trâu con bò vào các trận chiến trong phim, bên cạnh đó là những màn “trốn- tìm- đuổi- bắt-đánh nhau” cũng thật bắt mắt, tràn đầy tiếng cười sảng khóai trong mấy ngày Xuân.

Chuông reo là bắn (đạo diễn Trương Dũng- hãng phim Giải phóng sản xuất, hãng phim Đào Thu hợp tác phát hành) xóay vào một tình huống giả định của tệ nạn “tống tiền, tống tình” bằng cách “post” hình ảnh đầy tính riêng tư (của những người nổi tiếng) lên trên mạng Internet. Tuy trào lưu này đã tạm lắng đọng ở Việt Nam sau một thời gian bùng phát dữ dội, nhưng vẫn còn là đề tài khá “thời đại”, và là một vấn nạn mới phát sinh của xã hội đương đại.

Cùng cách “đi song hành” cùng thời đại này là Trai nhảy (đạo diễn Lê Hòang- hãng phim Thiên Ngân), tuy thật ra cả hai phim Chuông reo là bắnTrai nhảy đều có cùng tác giả kịch bản là Lê Hòang! Trai nhảy đã “liều lĩnh” tìm đến và khai thác thế giới nội tâm đầy tính phức cảm của giới đồng tính, khi đây vốn dĩ vẫn còn là thể tài thuộc dạng “vùng nguy hiểm” của điện ảnh thế giới. “Đánh thẳng” vào sự tò mò của công chúng về “thế giới thứ ba” này, những người làm phim đã ít nhiều bộc lộ khả năng nhanh nhạy về việc thăm dò và khám phá thị trường; đồng thời cũng là một thái độ chọn lựa khi chấp nhận tính rủi ro cao, bởi những vấn đề nhạy cảm kèm theo đó!

Có thể nói, với sự thành công khả quan về doanh thu các phim Việt chiếu rạp ở các mùa Tết, tình hình điện ảnh nước nhà cũng sôi động hẳn lên thấy rõ, từ công chúng cho đến giới làm nghề…

Cảnh phim Trai nhảy

… NHỮNG ĐIỀU LO NGẠI

Tuy nhiên, việc chỉ “nhăm nhăm” làm phim cho mỗi “mùa vụ” Tết này cũng cho thấy những khiếm khuyết “lồ lộ” của người làm phim. Đành rằng khán giả Việt vẫn rộng lượng mà “tặc lưỡi” bỏ qua, cho vui trong những ngày du Xuân,nhưng cũng không vì thế mà người làm nghề được quyền lơ là không “nhặt sạn” trước, từ các tác phẩm trình chiếu của mình.

Có một điểm dễ thấy đầu tiên trong các phim vừa đề cập đến, là sự hiện diện của “dàn sao” từ các sân khấu kịch và sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng hay lực lượng người mẫu hùng hậu từ thời trang “đổ bộ” sang! Nhìn lại, diễn viên thực sự là “dân điện ảnh” gần như không có mấy gương mặt xuất hiện? Lẽ đương nhiên, không thể phủ nhận sự “hút khách” của các ngôi sao sân khấu (như nhãn hiệu cầu chứng cho doanh thu phòng vé- điều lưu tâm hàng đầu của các nhà sản xuất), cũng như không thể không ghi nhận những nỗ lực diễn xuất từ các lực lượng này. Nhưng tình trạng phim ảnh trong nước bị “kịch hóa” hoặc “tấu hài- tạp kỷ hóa” trong thời gian qua có lẽ cũng đã đến mức độ báo- động- đỏ! Như một phim được đầu tư khá hòanh tráng của phim Việt mùa Tết Đinh Hợi, lại rơi vào điểm nhược này một cách khá là đơn giản và tùy tiện đến độ không thể chấp nhận được. Điều này trước nhất là trách nhiệm của đạo diễn, khi không thể chủ động hay chỉ đạo được trong các cung cách và phương hướng diễn xuất của các diễn viên, trong phim mình. Điều nguy hiểm này cũng sẽ tạo tiền lệ xấu, khi vô tình làm lẫn lộn và sai lệch đi ngôn ngữ riêng của nghành nghệ thuật thứ bảy. Trong khi đó, một phim giải trí nổi tiếng của Hong Kong và Trung Quốc mới gần đây là Công phu (Kung fu Hustle) của đạo diễn Châu Tinh Trì, cũng lấy bối cảnh là một khu lao động ở Thượng Hải những năm 1940, với những nhân vật tưởng chừng có vẻ rất “ô hợp”. Nhưng phim vẫn được “cân chỉnh” rất hài hòa giữa cái hài (từ tình huống bật ra, không phải chỉ là là sự “vặn vẹo” đến “nhễu nhại” của hình thể) trong câu chuyện phim và đường nét diễn xuất của các diễn viên trong phim. Và vì thế, không phải ngẫu nhiên mà phim này được đề cử giải BAFTA 2006 Phim không nói tiếng Anh xuất sắc nhất, đề cử giải Địa Cầu Vàng 2006 Phim nước ngòai xuất sắc nhất; trước đó đã nhận được 10 đề cử ở LHP Kim Mã Đài Loan 2005, và 15 đề cử ở giải thưởng Điện ảnh Hong Kong 2005.

Mặt khác, khi cố gắng vượt thoát khỏi căn bệnh trầm kha của phim Việt là sự giáo điều đến “rập khuôn” và xơ cứng trong các câu chuyện phim; những người làm phim đôi khi đã mất kiểm sóat khi lạc hẳn sang một thái cực khác: biến các nhân vật của mình thành người “ăn tục, nói phét” khi tung hê tất cả mọi thứ đến lọan lên! Việc “bê nguyên” vào phim những hiện thực trần trụi mà không hề có chủ định gì, cũng như không hề cần thiết cho sự phát triển của đường dây câu chuyện phim… khiến khán giả có cảm giác như thỉnh thỏang mình đang bị “vứt rác vào mặt”! Hậu quả là với những phim này, người xem khi xem xong… là quên ngay tức thì, không còn và cũng không dám nhớ gì đến các nhân vật trong phim! Nhân vật có thể xấu, nhưng phải có lý do đủ để khiến người xem chấp nhận và cảm thông. Như với các nhân vật “đầu trộm đuôi cướp” trong phim Thiên hạ vô tặc (A World Without Thieves) của đạo diễn Trung Quốc là Phùng Tiểu Cương, người xem gần như ngẩn ngơ với từng nhân vật một! Bởi, mỗi nhân vật đều có hai mặt tốt xấu (dù đôi khi chỉ thể hiện tic-tac) được thể hiện rất sống động và vô cùng thuyết phục trên phim, tùy theo diễn tiến câu chuyện cùng các chi tiết lẫn tình huống “cài đặt” của người làm phim. Mà đây vẫn hòan tòan là một phim mang tính giải trí đơn thuần (bởi những “thủ pháp” có phần khoa trương hoặc cường điệu trong “cách kể”), từng “gây sốt” khắp các rạp chiếu của Trung Quốc. Điều thú vị là phim đã đọat được giải Kim về Kịch bản gốc xuất sắc nhất, tại LHP Kim Mã Đài Loan 2005.

Việc những đạo diễn Việt “đánh mất” đi vẻ đẹp của nhân vật trong phim mình, hay nhầm lẫn trong việc thể hiện những cái đẹp theo ngôn ngữ điện ảnh; rủi thay lại là những điều thường thấy trong lọat phim Việt chiếu Tết này. Có đạo diễn đã biến những khao khát tình cảm của những người phụ nữ cô đơn (vì hòan cảnh hay lý do gì không rõ, trên phim) thành những người đàn bà “quái thai” vì ẩn-ức-chế về dục tình, một cách không cần thiết, khi xây dựng nhân vật của phim. Nếu điều này là thực sự cần nhấn mạnh, điện ảnh cũng sẽ không ngần ngại gì mà không đi sâu vào lột tả bản chất của các vấn đề thuộc về bản năng con người. Như phim Isle (phổ biến bản DVD ở Việt Nam, với tựa tiếng Việt: Cô lái đò), của đạo diễn Hàn Quốc Ki- duk Kim. Phim có các cảnh quay thuộc dạng gây sốc về tính dục lẫn bạo lực, và được đề cử giải Sư Tử Vàng ở LHP quốc tế Venice 2000. Rồi một đạo diễn khác nữa của Việt Nam, cũng đã biến cái chết của một nhân vật nữ trong phim của mình thành sự lãng mạn đầy tính sắp đặt và áp đặt; mà không hề chú tâm đến tình huống phát triển của câu chuyện phim, hay trạng thái tâm lý của các nhân vật liên quan lẫn của người xem! Nếu để tâm đến cái gọi là yếu tố lãng mạn trong phim (theo quan niệm kiểu Châu Á), có thể nói hiện nay điện ảnh Hàn Quốc đã gần như xếp hạng đầu trong khu vực. Dù vậy, sự lãng mạn được những người làm phim ở “xứ sở nhân sâm và kim chi” thể hiện rất tinh tế, hòan tòan không phô bày lộ liễu. Như mới đây, phim Quái vật sông Hàn (The Host) của đạo diễn Joon- ho Bong, đã được xếp vào danh sách phim đạt kỷ lục về doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc; rồi khi trình chiếu tại nước láng giềng Nhật Bản cũng đạt kỷ lục là phim nước ngòai đạt doanh thu cao nhất. Phim được nhận xét là có câu chuyện phim đầy đậm yếu tố lãng mạn, khi cả gia đình nhân vật chính cùng “kề vai sát cánh” bên nhau chiến đấu chống lại một con quái vật nổi lên từ đáy sông Hàn; để cứu lấy mạng sống cô gái nhỏ trong nhà, vốn bị quái vật giam cầm. Tuy vậy, gần như cả bộ phim người xem không hề thấy những hình ảnh mang tính “ve vuốt”; trái lại chỉ là sự khốc liệt và dứt khóat trong hành xử của các nhân vật, cùng những tình cảm ẩn giấu. Phim này cũng vừa được nhập về trình chiếu tại Việt Nam, và được các “tín đồ” điện ảnh kéo nhau đi xem rất đông vui.

CHỈ LÀ GIAI ĐOẠN

Dẫu sao, với những cố gắng đáng ghi nhận của những người làm phim ở Việt Nam trong dòng phim chiếu Tết, cùng sự đón nhận và chia sẻ từ khán giả nước nhà trong thời gian vừa qua; người ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, cũng từ chính những khiếm khuyết ban đầu này điện ảnh Việt nói chung và dòng phim chiếu Tết nói riêng sẽ được “gầy dựng” một cách xứng tầm hơn trong tương lai gần. Và không còn phải chỉ là những phim “mùa vụ”! Bởi tất cả cũng chỉ mới đang là bước khởi đầu của giai đọan “cửa ngỏ”. Vì một sự cầu thị chung, của cả giới làm nghề lẫn công chúng cả nước.

No comments: